Tổng số lượt xem trang

Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

giải đáp 1 số thắc mắc về chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo

Không thiếu tiền trả phụ cấp thâm niên cho giáo viên - Lương giáo viên từ tháng 5/2011 có thêm khoản "phụ cấp thâm niên" nếu đủ các điều kiện. Kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã được rót về cơ sở. Nhà giáo được truy lĩnh sớm hay muộn phụ thuộc khâu duyệt danh sách của các cơ sở. Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) Trần Kim Tự cho biết như vậy khi trao đổi với VietNamNet.
Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT) Trần Kim Tự Nhà giáo được truy lĩnh từ tháng 5/2011 - Xin ông cho biết những đối tượng nào sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên? Quy định hướng dẫn chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo dạy trường công và trường tư có sự khác biệt nào không, thưa ông? Ông Trần Kim Tự: Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 54 quy định chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo trong các trường công lập, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch số 68 hướng dẫn thực hiện. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/2. Trong Thông tư cũng khẳng định rõ, đối tượng được hưởng là các nhà giáo dạy trong các trường công lập, trong các cơ sở giáo dục công lập. Phạm vi của các cơ sở giáo dục công lập được nêu rất rõ ở Điều 1 của Nghị định. Nhà giáo trường tư có được hưởng không thì Nghị định cũng không cấm không được hưởng. Vì đây là hướng dẫn thực hiện ngân sách nhà nước cho nên được quy định trong các trường công. Còn các trường tư có thể vận dụng chính sách này đưa vào giao kết hợp đồng lao động về chế độ chính sách đối với các nhà giáo làm việc trong các trường tư, các cơ sở giáo dục tư. Có thể áp dụng dưới hình thức như tăng lương, thâm niên hoặc hình thức khác phụ thuộc vào chế độ hợp đồng. Tuy nhiên, nhà giáo dạy trường tư có tham gia đóng bảo hiểm xã hội, sau đó lại được tuyển dụng vào trường công thì trong thông tư hướng dẫn có nêu rất rõ. Những nhà giáo chưa thuộc diện biên chế trong các trường công lập nhưng đã có thời gian tham gia bảo hiểm bắt buộc ở trường tư, sau đó được tuyển ngay vào các trường công lập thì thời gian đó sẽ được tính hưởng phụ cấp thâm niên. - Theo hướng dẫn ban hành thì mốc tính phụ cấp thâm niên cho những nhà giáo công tác tính hưởng từ thời gian 1/5/2011 đến nay. Vậy thời gian công tác từ tháng 4/2011 trở về trước được tính như thế nào, thưa ông? Ông Trần Kim Tự: Nghị định ban hành ngày 4/7/2011 và có hiệu lực sau đó 45 ngày. Tuy nhiên hiệu lực của chế độ thì lại được Chính phủ đồng ý cho các nhà giáo hưởng phụ cấp thâm niên từ 1/5/2011 phù hợp với mốc tăng lương tối thiểu chung đối với cán bộ công chức, viên chức của nhà nước. Như vậy tất cả giáo viên đủ điều kiên nhận phụ cấp thâm niên từ tháng 5/2011. Về kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo tôi khẳng định là không thiếu nguồn. Nhà giáo được truy lĩnh sớm hay muộn phụ thuộc khâu duyệt danh sách của các cơ sở. Còn từ trước ngày 1/4/2011 trở về trước thì không được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Nghĩa là trong lương của nhà giáo từ tháng 4/2011 trở về trước thì không có phụ cấp thâm niên. Lương giáo viên từ tháng 5/2011 bắt đầu được tính phụ cấp thâm niên nếu đủ các điều kiện. Thời gian hưởng, cách tính và mức hưởng cụ thể thông tư quy định rất rõ. Kinh phí chi phụ cấp không thiếu - Ngân sách chi phụ cấp thâm niên cho nhà giáo dạy trường công lấy từ đâu? Và trường tư lấy nguồn từ đâu? Vì nhiều ý kiến băn khoăn, thời điểm hướng dẫn có hiệu lực cũng là thời điểm năm học gần kết thúc, liệu có lý do "thiếu ngân sách" dẫn đến nợ phụ cấp của giáo viên không thưa ông? Ông Trần Kim Tự: Trong hướng dẫn xác định rất rõ, đối với các cơ sở giáo dục được ngân sách nhà nước đảm bảo 100% thì kinh phí thực hiện phụ cấp thâm niên nhà giáo do nhà nước chi trả. Thông tin từ Bộ Tài chính tôi được biết thì ngân sách chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã rót về các cơ sở. Về kinh phí chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo tôi khẳng định là không thiếu nguồn. Nhà giáo được truy lĩnh sớm hay muộn phụ thuộc khâu duyệt danh sách của các cơ sở. Đối với cơ sở giáo dục ngân sách nhà nước đảm bảo một phần kinh phí hoạt động, một phần tự chủ thì kết hợp hai nguồn này để chi trả phụ cấp thâm niên nhà giáo. Còn những cơ sở giáo dục tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thì họ sẽ trích từ nguồn ngân sách tự chủ để chi trả. - Điều này đồng nghĩa với việc không xảy ra tình trạng nợ phụ cấp thâm niên của nhà giáo? Ông Trần Kim Tự: Việc chi trả phụ cấp thâm niên, đặc biệt là phần truy lĩnh từ tháng 5/2011 đến nay chắc chắn còn phụ thuộc vào việc tính toán quyết định của địa phương. Còn nguồn tiền tôi khẳng định họ đã chuẩn bị được rồi. Nhà giáo được truy lĩnh vào thời điểm nào thì còn phụ thuộc vào tốc độ triển khai thực hiện theo hướng dẫn thông tư 68 của các cơ sở. Tuy nhiên, theo như tôi biết thì khi chưa có thông tư liên tịch hướng dẫn thì đã có một số trường ĐH tự chủ về ngân sách họ đã tính cho các nhà giáo từ tháng 9, tháng 10/2011. Mặt khác, các sở GD địa phương cũng căn cứ vào Nghị định để có dự toán nguồn chi. Vì hàng năm vào cuối năm thì các cơ sở phải tính dự toán nguồn chi cho năm sau. Do đó, dù chưa có hướng dẫn nhưng các sở đã có dự toán nguồn chi trả phụ cấp thâm niên cho nhà giáo để báo cáo với UBND tỉnh. - Bộ GD-ĐT sẽ giám sát thế nào để tin vui này không làm giáo viên dài cổ ngóng chờ, thưa ông? Ông Trần Kim Tự: Trong quản lý nhà nước không thể bỏ qua chức năng giám sát. Tuy nhiên, căn cứ tính tự chủ của các cơ sở thì Bộ sẽ có giám sát thông qua các hệ thống của mình. Ví như giám sát việc thực hiên của các địa phương thông qua các sở, phòng GD-ĐT. Đồng thời giám sát trực tiếp các đơn vị trực thuộc và sẽ giám sát thông qua phản ánh của dư luận. Vì mình Bộ không thể đi hết tất cả các cơ sở giáo dục được nên phải chủ động thông qua các kênh như đã nói và thông qua chế độ báo cáo. Hiện lực lượng nhà giáo có gần 1,1 triệu nhưng không phải tất cả các nhà giáo đều được hưởng. Nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên phải đủ điều kiện theo quy định. Chúng tôi ước tính thì có khoảng gần 1 triệu nhà giáo hưởng phụ cấp thâm niên. Có những nhà giáo đang đứng lớp nhưng thiếu số năm thì phải chờ.

Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo

Thông tư liên tịch 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo - 16.02.2012 Nghị định 14/2012/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với CB, CC, VC và LLVT và Mục I Bảng PC chức vụ lãnh đạo (bầu cử, bổ nhiệm) trong CQNN, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; cơ quan, vị thuộc QĐ và CAND - 09.03.2012 Nghị định 08/2012/NĐ-CP ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ - 20.02.2012 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2011 Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ; Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Căn cứ Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo (sau đây viết tắt là Nghị định số 54/2011/NĐ-CP) như sau: Điều 1. Hướng dẫn về đối tượng và phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP 1. Nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục công lập) được nhà nước cấp kinh phí hoạt động (bao gồm nguồn thu từ ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật). 2. Nhà giáo trong biên chế đang làm nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học công lập. 3. Đối tượng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cụ thể: a) Các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phải được xếp vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15); b) Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo như quy định tại điểm a khoản này. Điều 2. Hướng dẫn về thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP 1. Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau: a) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập; b) Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập); c) Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có); d) Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề; đ) Thời gian quy định tại các điểm a, b khoản này không bao gồm thời gian quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP. 2. Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP. 3. Mức phụ cấp thâm niên được tính như sau: Nhà giáo quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch này có thời gian giảng dạy, giáo dục được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định tại Khoản 1 Điều này đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%. Ví dụ 1: Nhà giáo A đã giảng dạy, giáo dục ở trường mầm non bán công 15 năm, trong đó có 7 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đó được ký hợp đồng làm việc để giảng dạy, giáo dục tại trường mầm non công lập đến nay được 8 năm. Như vậy, nhà giáo A có thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 15 năm (gồm 7 năm giảng dạy, giáo dục ở trường mầm non bán công có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và 8 năm giảng dạy, giáo dục tại trường mầm non công lập), mức phụ cấp thâm niên tương ứng với thời gian 15 năm là 15%. Ví dụ 2: Nhà giáo B đã giảng dạy, giáo dục ở trường đại học công lập, sau khi hết thời gian tập sự có 8 năm giảng dạy, giáo dục. Sau đó, nhà giáo B được điều động làm công tác thanh tra và được xếp ở ngạch thanh tra viên là 3 năm, tiếp theo nhà giáo B được điều động về làm công tác giảng dạy, giáo dục ở trường đại học công lập đến nay được 3 năm. Như vậy, nhà giáo B có thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên là 14 năm (11 năm giảng dạy, giáo dục + 3 năm được xếp ở ngạch thanh tra viên), mức phụ cấp thâm niên tương ứng thời gian 14 năm là 14%. Ví dụ 3. Nhà giáo C đã giảng dạy, giáo dục ở trường tiểu học công lập, sau khi hết thời gian tập sự đã giảng dạy, giáo dục được 6 năm thì đi nghĩa vụ quân sự với thời gian 02 năm (24 tháng), sau đó được xuất ngũ về tiếp tục công tác giảng dạy, giáo dục tại trường tiểu học công lập 4 năm. Như vậy, thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên của nhà giáo C là 12 năm (10 năm giảng dạy, giáo dục + 2 năm đi nghĩa vụ quân sự), mức phụ cấp thâm niên tương ứng thời gian 12 năm là 12%. 3. Cách tính mức tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng Mức tiền phụ cấp thâm niên = Hệ số lương theo ngạch, bậc cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng x Mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định từng thời kỳ x Mức % phụ cấp thâm niên được hưởng Điều 3. Hướng dẫn về nguồn kinh phí thực hiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP 1. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được thực hiện như sau: a) Đối với các cơ sở giáo dục công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên do ngân sách nhà nước đảm bảo và giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành; b) Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được đảm bảo từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị và nguồn ngân sách nhà nước cấp theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành; c) Đối với các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động: Kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên được đảm bảo từ nguồn thu tự đảm bảo kinh phí hoạt động của đơn vị. Trong trường hợp Nhà nước thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu chung, các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn, xét duyệt và tổng hợp báo cáo nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo các quy định hiện hành về việc xác định nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu chung hàng năm và gửi Bộ Tài chính xem xét, thẩm định theo quy định. Riêng năm 2011 các cơ sở giáo dục công lập, các Bộ, ngành, địa phương sử dụng nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương chưa sử dụng hết để chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này. Trường hợp nguồn kinh phí thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này nhỏ hơn so với nhu cầu kinh phí chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định, các Bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện về Bộ Tài chính để thẩm định và trình cấp có thẩm quyền bổ sung phần chênh lệch thiếu theo các Biểu 1, Biểu 2, Biểu 3 và Biểu 5a (đối với khối địa phương), hoặc Biểu 1, Biểu 4, Biểu 5b (đối với Bộ, ngành trung ương) ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này. 2. Việc lập và phân bổ dự toán, quản lý sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước. Điều 4. Hướng dẫn về hiệu lực và trách nhiệm thi hành quy định tại Điều 5 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP 1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2012. 2. Chế độ phụ cấp thâm niên quy định tại Thông tư liên tịch này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2011. 3. Trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập a) Căn cứ quy định của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch này; căn cứ thời gian giảng dạy, giáo dục của nhà giáo, trên cơ sở hồ sơ, lý lịch, sổ bảo hiểm xã hội và các tài liệu có liên quan; đơn vị trực tiếp quản lý, trả lương cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trách nhiệm xét duyệt mức phụ cấp và lập dự toán nhu cầu thực hiện phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo của cơ sở giáo dục theo Biểu 1 quy định tại Thông tư liên tịch này gửi cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo thẩm định và quyết định; b) Giải quyết truy lĩnh và thực hiện chi trả tiền phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo thuộc đối tượng được hưởng theo quy định của Nghị định số 54/2011/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này sau khi được cấp có thẩm quyền quản lý nhà giáo phê duyệt, quyết định; c) Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để thực hiện trích nộp bổ sung phần đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ phụ cấp thâm niên và điều chỉnh lại mức lương hưu đối với nhà giáo đã nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2011 cho đến ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành. 4. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo. Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên tại các cơ sở giáo dục trực thuộc đảm bảo theo đúng quy định của Thông tư liên tịch này. Đồng thời có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên theo các Biểu 2, Biểu 3 và Biểu 4. 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, giải quyết./. KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ Nguyễn Duy Thăng KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Nguyễn Vinh Hiển KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI Nguyễn Ngọc Phi KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH Nguyễn Thị Minh Nơi nhận: - Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; - Văn phòng Quốc hội; - Văn phòng Chủ tịch nước; - Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng; - Tòa án nhân dân tối cao; - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; - Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; - Kiểm toán Nhà nước; - HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; - Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); - Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ; - Website các Bộ: GDĐT, NV, TC, LĐTBXH; - Lưu: Bộ GDĐT (VT, TCCB); Bộ NV (VT, VTL); Bộ TC (VT, HCSN); Bộ LĐTBXH (VT, PC).